Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ, nó đang dần thay đổi môi trường làm việc và thói quen của chúng ta. Giáo dục cũng cần phải thay đổi để đáp ứng được nhu cầu thời đại này. Theo đó, giáo dục cũng trải qua những thay đổi lớn theo từng thời kỳ cụ thể tóm tắt như sau:
Giáo dục 1.0: Người học muốn học phải đến lớp nghe thuyết giảng tài liệu học tập chủ yếu là sách giáo khoa. Công cụ của người học chủ yếu là giấy và bút và người dạy là sách giáo khoa, phấn và bảng. Đầu ra lúc này chỉ yêu cầu là những công nhân lành nghề (theo J.C.B)
Giáo dục 2.0: Được đánh dấu bằng việc sử dụng máy tính và mạng internet việc giảng dạy có sự tương tác qua lại giữa ngươi học và người dạy. Với sự bùng nổ của mạng internet người học có thể học mọi lúc mọi nơi các tài liệu giảng dạy được số hóa. Người dạy và người học sử dụng nguồn tài liệu khổng lồ trên mạng để bổ sung kiến thức của mình.
Giáo dục 3.0: được đánh dấu bởi sự hình thành các hệ thống MOOC (Massive Open Online Courses) như Coursera, Udacy, edX, Udemy, Khan Academy, v.v. nên giáo dục được xã hội hóa toàn cầu, không giới hạn đối tượng. Triết lý về phương pháp dạy và học cũng có sự thay đổi lớn từ truyền thống qua phương pháp học tập hỗn hợp và lớp học đảo ngược. Phương pháp học tập hỗn hợp kết hợp hài hòa giữa trực diện và trực tuyến để việc dạy và học được hiệu quả tối đa về thời gian cũng như không gian. Lớp học đảo ngược thay đổi toàn diện qui trình đào tạo truyền thống. Người học kiến thức căn bản ngoài lớp học từ các tài liệu trên hệ thống trực tuyến của trường, các hệ thống kết nối mở MOOC, Wikipedia, Youtube, v.v. Trong lớp thì học cách ứng dụng kiến thức để phản biện, giải quyết vấn đề qua trao đổi với người dạy và với nhóm. Vai trò của thầy cô cũng thay đổi. Thầy cô đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ quá trình học hỏi của học sinh chứ không còn ‘dạy’ kiến thức cho học sinh [https://en.wikipedia.org/wiki/Education_3.0] [Trương Nguyện Thành]
Ảnh: Assoc. Prof. Soranit Siltharm
Giáo dục 4.0: là nền giáo dục khai phóng sự sáng tạo
Giáo dục 4.0 là nền giáo dục đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo dục 4.0 được đánh dấu bằng sự thay đổi lớn về mục tiêu đào tạo và triết lý giáo dục chuyển từ truyền đạt kiến thức sang kích hoạt sự sáng tạo của người học. Người dạy lúc này trở thành người kích hoạt, tạo động lực và khai phóng khả năng sáng tạo của người học. Con người sẽ trở nên vô giá trị khi tất cả công việc truyền thống được thay thế bằng robot, các hệ thống tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Do đó, chỉ có sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề là thứ duy nhất con người hơn các hệ thống máy móc và trí tuệ nhân tạo. Để đạt được mục tiêu này thì cần phải mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy và học thay vì sử dụng phương pháp truyền thống.
Theo giáo sư Trương Nguyện Thành thì nền giáo dục của các nước tiên tiến đang ở giai đoạn 3.0 và đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tiến tới nền giáo dục 4.0 trong khi đó nền giáo dục Việt Nam vẫn ở đâu đó 2.0 cần mạnh dạn thay đổi đế tiến tới 3.0 và từng bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng hội nhập Quốc tế với nền giáo dục 4.0 nếu không chúng ta chắc chắn sẽ bị đào thải.
Trong những năm gần đây với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cũng như không ngừng nâng cao trình độ giảng viên Khoa Cơ điện – Điện tử trường Đại học Lạc Hồng tự tin thay đổi để tiến đến nền giáo dục 3.0 và từng bước hội nhập Quốc tế với nền giáo dục 4.0 ờ tương lai không xa.
0 Post a Comment:
Đăng nhận xét