Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Tác động của công nghệ số trong hoạt động dạy và học



Ngày nay, khi công nghệ số phát triển cùng với intenet ngày càng phổ biến, số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng trưởng một cách chóng mặt. Theo thống kê của statista, số lượng người sử dụng điện thoại di động của Việt Nam trong năm 2019 là 39.6 triệu người và đến năm 2023 là 48.6 triệu [1]. Bên cạnh đó, theo thống kê của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại Học Lạc Hồng, toàn trường có trên 95% người học sử dụng điện thoại thông minh. Từ số liệu thống kê đó cho thấy việc ứng dụng các công nghệ số vào giảng dạy là khả thi.
Bài viết này trình bày nghiên cứu về tác động của công nghệ số đến hoạt động dạy và học trong môi trường đại học. Cụ thể như sau:
1.  Người dạy
- Sự phát triển của công nghệ số đòi hỏi người dạy phải không ngừng nghiên cứu, cập nhật các công nghệ số và ứng dụng nó phù hợp với phương pháp giảng dạy.
- Xây dựng kế hoạch và phương pháp giảng dạy cho lớp học số.
- Quyết định các công cụ số tương ứng với chuẩn đầu ra của buổi học
- Linh hoạt trong lựa chọn phương pháp tương tác giữa người dạy và người học
- Người dạy phải chuyển từ mô hình giảng dạy người dạy là trung tâm (truyền thống) sang mô hình lấy người học làm trung tâm (phương pháp giảng dạy tích cực), lúc này vai trò của người người dạy trở thành người định hướng và hỗ trợ học tập.
Từ những yêu cầu trên người dạy khi triển khai lớp học số sẽ tự phát triển kỹ năng tự học, tự nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, thích ứng với sự thay đổi cách học của người học, thay đổi mô hình giảng dạy một cách linh hoạt từ truyền thông sang giảng dạy tích cực tăng tính tương tác. Bên cạnh đó, tầm nhìn về giáo dục cũng như khả năng tự lập kế hoạch, lãnh đạo trong việc định hình lớp học được hình thành.
2. Người học
Người học tham gia vào lớp học số sẽ có những tác động tích cực như phân tích sau:
- Việc người dạy thay đổi mô hình từ truyền thống sang mô hình giảng dạy tích cực đòi hỏi người học phải tích cực tham gia thảo luận, nổ lực tương tác để cùng giải quyết vấn đề với các bạn cùng lớp. Người học dần hình thành khả năng tự học và tự nghiên cứu.
- Thường xuyên tham gia thảo luận, đưa ra ý kiến, tổng hợp kiến thức sẽ hình thành kỹ năng truyền đạt ý tưởng hiệu quả và tư duy phản biện
- Thông qua công nghệ, người học tự tiếp cận kiến thức nền lên lớp tham gia thảo luận phân tích đánh giá tương tác với người dạy để tự tạo ra kiến thức mới.
Từ những thay đổi như đã nêu ở trên, việc tổ chức các lớp học số sẽ tăng kỹ năng tự học và giải quyết vấn đề cho người học.
3. Hiệu quả của công nghệ lớp học số
Tích hợp công nghệ trong lớp học hay là lớp học số sẽ tạo ra sự hứng khởi cho người học. Thông qua các trò chơi điện tử hay các câu hỏi tương tác, các diễn đàn sẽ thiết lập tương tác cao giữa người học và người dạy, người học và người học. Thông qua môi trường số người học có thể chia sẻ các ý tưởng, hiểu biết, kinh nghiệm cho bạn cùng lớp và học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, công nghệ khuyến khích sự hợp tác của người học với các bạn cùng lớp bằng cách chia sẻ tài liệu và cùng phân tích vấn đề trên môi trường học tập ảo.
 Ngoài ra phương pháp này còn có tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy người học có tốc độ tiếp thu thấp hơn tích cực tham gia hiệu quả vào lớp học. Các lớp học truyền thống người học chỉ có thể tiếp thu bài học khi lên lớp và có sự hướng dẫn của người dạy do đó kỹ năng tự học và tự nghiên cứu của người học không được phát huy. Việc áp dụng công nghệ số trong lớp học người học có thể tự học, tự nghiên cứu mọi lúc mọi nơi trên xe bus, quán cà phê thậm chí khi đi du lịch. Hơn nữa tích hợp công nghệ số vào giảng dạy sẽ giảm thời gian thuyết giảng của giáo viên, người học không cần chú tâm nhiều vào việc ghi chép mà sử dụng thời gian trên lớp để thảo luận, phân tích tìm cách giải quyết các vấn đề mà người dạy đặt ra. Như vậy với cách làm này người dạy sẽ đạt được mục tiêu là kích hoạt sự sáng tạo của người học thay vì tìm cách để người học hiểu được nội dung của bài giảng.

Bài viết là nghiên cứu của tác giả công bố tại tạp chí giáo dục Việt Nam. Toàn văn bài viết đăng tại https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/
Tài liệu tham khảo:
1. Thống kê số lượng người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam, https://www.statista.com/statistics/558889/number-of-mobile-internet-user-in-vietnam/.





0 Post a Comment:

Đăng nhận xét